Cuối năm học 2023 – 2024, các cơ sở giáo dục sẽ thực hiện xét thi đua, khen thưởng theo các văn bản sau:
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 01/2024/TT-BNV ngày 24 tháng 02 năm 2024 của Bộ Nội vụ Quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Ngoài ra, mỗi tỉnh còn có Quy định đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trên địa bàn, ví dụ như Quyết định số 64/2023/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2023 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Các danh hiệu thi đua, đặc biệt là danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở không còn bị khống chế tỷ lệ %, điều kiện cũng được “nới lỏng”, đặc biệt là tiêu chí Sáng kiến kinh nghiệm không còn là tiêu chí tiên quyết, nên nhiều ý kiến cho rằng có thể xảy ra lạm phát danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nói riêng khen thưởng nói chung.
Vậy thực tế số lượng giáo viên được các cơ sở giáo dục đề xuất khen thưởng năm nay có tăng đột biến so với năm học 2022-2023 không?
Cô giáo Cô giáo Thạch Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Công Định (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Số lượng giáo viên, nhân viên trường tôi được đề xuất khen thưởng cuối năm học 2023-2024 có tăng nhưng không có sự tăng đột biến.
Có thể quy trình xét chọn được nhà trường làm nghiêm túc, hoặc cũng có thể năm đầu thực hiện không khống chế tỷ lệ, giáo viên chưa biết rõ về sáng kiến kinh nghiệm trong xét thi đua”.
Thầy Đỗ Công Bình, Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Hòa Hưng (Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ: “So với những năm trước, số lượng đề xuất công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở có tăng, nhưng không nhiều, tăng 1-2 người. Tuy nhiên, danh hiệu Lao động tiên tiến thì tăng nhiều hơn”.
Người viết đã tham khảo kết quả thi đua của nhiều trường trên địa bàn, có một nhận định chung: Số lượng giáo viên được đề xuất công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở tăng từ 5 đến 10%;
Số lượng giáo viên được đề xuất danh hiệu Lao động tiên tiến tăng từ 18% đến 25%. Số lượng chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bằng khen cấp tỉnh gần như không tăng.
Như vậy, số lượng giáo viên được đề xuất công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở không tăng đột biến, chỉ có danh hiệu Lao động tiên tiến tăng nhiều hơn.
Quy định về thi đua khen thưởng đã được nới lỏng một số điều kiện và không còn khống chế tỷ lệ chiến sĩ thi đua cơ sở, nhưng số giáo viên được đề xuất công nhận danh hiệu này không tăng đột biến được các lãnh đạo nhà trường lý giải có điểm chung sau:
Số lượng người lao động được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ 20%. Thực tế, đa số những giáo viên, nhân viên có sáng kiến kinh nghiệm là những người được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Đối tượng Lao động tiên tiến có Sáng kiến kinh nghiệm để xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở không nhiều, có nhiều trường không có đối tượng này.
Nên số lượng giáo viên, nhân viên được đề nghị công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở có tăng, nhưng tăng không quá nhiều, chỉ dao động trong tỷ lệ đánh giá viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoặc có tăng nhưng không đột biến như nhiều ý kiến lo lắng.
Năm học 2023-2024 các cơ sở giáo dục thực hiện việc đánh giá, xếp loại viên chức theo hướng dẫn của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020.
Tỷ lệ viên chức được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được hướng dẫn như sau: “Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng.
Tại điểm 2.3 khoản 2, Mục B của Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp do Ban Tổ chức Trung ương ban hành đã hướng dẫn như sau:
“Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong từng tổ chức cơ sở đảng” nên số lượng viên chức trong trường học được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 20%”.[1]
Vì vậy, có thể nói, tỷ lệ lao động xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã giới hạn tỷ lệ công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Nới lỏng điều kiện có thể làm cho các danh hiệu, hình thức khen thưởng “mất giá” là một thực tế có thể xảy ra. Để tránh tình trạng “mất giá” thi đua, vai trò của hội đồng thi đua khen thưởng cơ sở rất quan trọng, phải chọn đúng, đánh giá đúng từng cá nhân, ai xứng đáng mới đề xuất lên cấp trên. Khi đề xuất giáo viên, nhân viên được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở, ở trường người viết dựa trên số lượng người lao động được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là chủ yếu.
Với đối tượng Lao động tiên tiến và có Sáng kiến kinh nghiệm, xét chiến sĩ thi đua cơ sở, phải cân nhắc rõ ràng từng đối tượng, xem xét thi đua không chỉ năm nay mà có thể cả những năm liền kề. Khen đúng, thưởng đúng sẽ làm cho các danh hiệu có giá trị thúc đẩy thi đua, giúp nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm học tới.
Bài viết tham khảo từ: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Người Đại Biểu tổng hợp