Là tài nguyên vô cùng quý giá, tư liệu sản xuất đặc biệt, đất đai có ý nghĩa lớn với người dân, nhất là bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những người mà sinh kế chủ yếu dựa vào đất. Tuy nhiên, một số người vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn nhất định trong tiếp cận một cách đầy đủ với đất đai.
Nhằm góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Helvetas phối hợp với Liên minh đất đai LANDA/Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD) triển khai Dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số”. Dự án được thực hiện trong 3 năm từ năm 2020 đến năm 2023, cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Hòa Bình và Cao Bằng.
Ngày 26/5, Tổ chức Helvetas phối hợp với Liên minh Đất đai LANDA/Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng Nông thôn CCRD tổ chức Hội thảo Kết thúc dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số” (L4A) tại thành phố Hòa Bình.
Thay đổi nhận thức về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Văn Lương, Giám đốc quốc gia Helvetas Việt Nam cho biết: Dự án L4A được tài trợ bởi Liên minh châu Âu EU với mục tiêu thúc đẩy quyền đất đai cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía bắc, được thực hiện trong 3 năm từ tháng 7/2020 tới tháng 5/2023 tại Cao Bằng và Hòa Bình.
Đã có hơn 36.000 người được nâng cao nhận thức về quyền đất đai và con đường giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Hơn 630 hòa giải viên, trưởng xóm, người có uy tín, thành viên các tổ chức đoàn thể địa phương đã được đào tạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai, kỹ năng tuyên truyền và đóng góp xây dựng chính sách đất đai.
Khác với những dự án về quyền sử dụng đất đai khác tại Việt Nam, dự án L4A chọn hướng tiếp cận riêng biệt, đó là cung cấp nguồn lực cho các thành viên tổ hòa giải ở cơ sở và đoàn thể địa phương. Họ là những người ở gần dân nhất và giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng địa phương giải quyết các vướng mắc về đất đai, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân, đem lại bình yên cho xóm làng, giữ vững an ninh trật tự xã hội và tăng cường đoàn kết trong nhân dân.
Đến nay, Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra, đó là: Xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn về quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năng lực của các thành viên LANDA và tổ hòa giải cơ sở, già làng, trưởng bản được nâng cao. Đóng góp ý kiến vào xây dựng và giám sát thực thi chính sách liên quan tới quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng. Tiếp cận thông tin về quyền sử dụng đất và tài nguyên rừng của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương được cải thiện.
Đã có hơn 36.000 người được nâng cao nhận thức về quyền đất đai và con đường giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Hơn 630 hòa giải viên, trưởng xóm, người có uy tín, thành viên các tổ chức đoàn thể địa phương đã được đào tạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai, kỹ năng tuyên truyền và đóng góp xây dựng chính sách đất đai.
Hơn 2.000 người dân được tư vấn về pháp luật đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai. 22 chuyên gia của Liên minh đất đai LANDA và các đối tác địa phương đã tham gia Chương trình đào tạo giảng viên nguồn và được cấp chứng chỉ, trở thành giảng viên cho các khóa đào tạo về hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở.
6 sáng kiến cộng đồng được dự án cấp vốn thực hiện nhằm thúc đẩy quyền đất đai và chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Các gói tài trợ nhỏ này đã giúp cho các hòa giải viên và thành viên các tổ chức đoàn thể ở địa phương thực hành những kiến thức và kỹ năng đã được học, được chính quyền địa phương đánh giá cao và sẵn sàng nhân rộng mô hình.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) cho biết: Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện, dự án cũng gặp phải không ít thử thách, cụ thể: Địa bàn của dự án nhỏ, nguồn lực hạn chế. Phạm vi hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở là các tranh chấp nhỏ giữa các cá nhân, hộ gia đình, chưa giải quyết được các tranh chấp với tổ chức, doanh nghiệp.
“Hệ thống quản lý đất đai của Việt Nam có tính đặc thù, chưa áp dụng được các thực hành tốt của thế giới; chưa đưa được các công nghệ số hóa vào dự án. Bên cạnh đó, đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi chưa biết cách chủ động tìm kiếm thông tin, tài liệu để tự học trên internet (chủ yếu để giải trí, đọc báo, nhắn tin), cần thêm thời gian và nguồn lực để tuyên truyền, thu hút lưu lượng cho website”, ông Thịnh nhận định.
Những bài học từ dự án
Từ những thuận lợi và những khó khăn trong thực tế triển khai dự án, ông Thịnh cũng đưa ra những bài học kinh nghiệm.
Theo ông Thịnh, đối với chủ đề nhạy cảm như quyền đất đai, cần xác định các mục tiêu và thiết kế nội dung hoạt động thật rõ ràng, thu hẹp chủ đề càng cụ thể càng dễ thực hiện, tránh chung chung sẽ gây khó khăn khi xin phê duyệt và triển khai.
“Phải luôn linh hoạt, sáng tạo, thay đổi kế hoạch kịp thời để ứng phó với các rủi ro (thay đổi nhân sự dự án, đối tác, quy định, chính sách v.v…) hoặc bất khả kháng (dịch bệnh, thiên tai, thời tiết…). Đào tạo nâng cao năng lực cho các nhóm đối tượng khác nhau cần xây dựng kế hoạch và phương pháp phù hợp. Ngoài ra, cần có kế hoạch hỗ trợ đầy đủ, chi tiết cho cán bộ cơ sở và cộng đồng khi thực hiện các hoạt động mới và chủ đề phức tạp…”, ông Thịnh chia sẻ.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện các địa phương được chọn triển khai dự án cũng bày tỏ sự cảm ơn Ban Tổ chức dự án và khẳng định những hiệu quả tích cực mà dự án đã mang đến cho địa phương.
Ông Hà Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vạn Mai, Mai Châu, Hòa Bình cho biết: Thông qua các hoạt động của dự án đã tạo sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về pháp luật đất đai, vai trò, ý nghĩa của công tác hoà giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai, theo Luật hòa giải ở cơ sở. Dự án cũng góp phần thúc đẩy sự tham gia và phát huy vai trò làm chủ của người dân trong quản lý, sử dụng đất tại địa phương cũng như giải quyết những vướng mắc, tranh chấp về đất đai.
“Để tiếp tục hỗ trợ các tổ hòa giải và Hội viên nông dân nâng cao nhận thức về đất đai trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã mong dự án sẽ tiếp tục được duy trì và phối hợp với Hội Nông dân các cấp để tiếp tục triển khai các nội dung của dự án”, ông Hiệp đề xuất.
Nguoidaibieu.com.vn trích dẫn từ báo Nhân Dân