Động thái này đánh dấu sự ngắt kết nối hoàn toàn các tuyến đường bộ từng được coi là biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác giữa hai nước. Vào tháng 8, Triều Tiên đã cắt đứt tuyến đường sắt Gyeongui và Donghae.
Hàn Quốc và Triều Tiên có các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối với nhau, dọc theo tuyến Gyeongui, nối thành phố biên giới phía tây Paju của Hàn Quốc với Kaesong của Triều Tiên, và tuyến Donghae dọc theo bờ biển phía đông.
Hàn Quốc và Triều Tiên đã đồng ý khôi phục lại tuyến đường bộ và đường sắt, vốn bị ngắt kết nối từ lâu sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-53, vào năm 2000, khi các nhà lãnh đạo hai nước tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên.
Các tuyến đường bộ liên Triều phần lớn vẫn mang tính biểu tượng vì chúng đã lâu không được sử dụng trong bối cảnh quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước.
Việc sử dụng tuyến đường Gyeongui thực sự dừng lại sau khi Hàn Quốc đóng cửa một khu phức hợp công nghiệp chung ở Kaesong, Triều Tiên vào năm 2016 do vụ phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc cũng đã đình chỉ một chương trình du lịch chung tại núi Kumgang của Triều Tiên ở bờ biển phía đông vào tháng 7/2008 sau khi một phụ nữ Hàn Quốc thiệt mạng tại khu nghỉ dưỡng. Hàn Quốc cáo buộc binh lính Triều Tiên đứng sau vụ việc này.
Năm 2018, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí kết nối lại và hiện đại hóa đường bộ và đường sắt trong bầu không khí hòa giải, đồng thời tổ chức một buổi lễ để khởi công xây dựng. Nhưng hoạt động này đã không diễn ra vì Triều Tiên thúc đẩy các chương trình hạt nhân và tên lửa sau hội nghị thượng đỉnh không đạt được thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào năm 2019.
Tại một cuộc họp đảng cuối năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã định nghĩa quan hệ liên Triều là quan hệ giữa “hai quốc gia thù địch với nhau” và cho biết không có lý do gì để tìm kiếm sự hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc.
Theo Thỏa thuận Cơ bản, một thỏa thuận liên Triều quan trọng được ký kết vào năm 1991, quan hệ liên Triều được định nghĩa là “mối quan hệ đặc biệt” được hình thành tạm thời trong quá trình tìm kiếm sự thống nhất, chứ không phải là quan hệ giữa các quốc gia. Điều này trái ngược với tuyên bố “hai quốc gia thù địch” của ông Kim Jong-un.
Vào tháng 1, ông Kim Jong-un kêu gọi sửa đổi hiến pháp để xác định Hàn Quốc là “kẻ thù chính không thể thay đổi”. Ông cũng ra lệnh cho các quan chức thực hiện các bước để “cắt đứt hoàn toàn” tuyến đường sắt ở “mức độ không thể cứu vãn”.
Triều Tiên đã tổ chức một cuộc họp quốc hội quan trọng vào tuần trước để sửa đổi hiến pháp, nhưng không tiết lộ chi tiết về việc liệu họ có xóa bỏ các điều khoản liên quan đến việc thống nhất hai miền hay làm rõ ranh giới lãnh thổ của đất nước theo lệnh của ông Kim hay không.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã lên án “mạnh mẽ” hành động phá hủy các tuyến đường liên Triều của Triều Tiên, cáo buộc đây hành vi vi phạm rõ ràng thỏa thuận liên Triều và là hành động “rất bất thường”.
Hàn Quốc lên án động thái của Triều Tiên là sự lặp lại “hành động thụt lùi” của nước này, đề cập đến vụ Bình Nhưỡng phá hủy văn phòng liên lạc chung tại Kaesong của Triều Tiên vào năm 2020.
Chính phủ Hàn Quốc có thể cân nhắc kiện Triều Tiên về vụ phá hủy các tuyến đường bộ mới nhất vì dự án kết nối đường bộ và đường sắt liên quan đến khoản vay trị giá 133 triệu USD của Hàn Quốc.
Các chuyên gia nhận định, Triều Tiên đã cho nổ tung các tuyến đường nối với Hàn Quốc như một biện pháp tượng trưng nhằm xóa bỏ di sản hợp tác liên Triều dưới lập trường “hai quốc gia thù địch” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo giáo sư Isozaki Atsuhito tại Đại học Keio, Triều Tiên đã cho nổ tung các tuyến đường liên Triều để nhấn mạnh rằng Hàn Quốc là một quốc gia thù địch, dựa trên sự thay đổi về chính sách tìm kiếm sự thống nhất hòa bình.
Giáo sư Atsuhito, một chuyên gia về Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng cần một sự kiện mang tính biểu tượng mạnh mẽ để thay đổi nhận thức của người dân sau khi từ bỏ chính sách thống nhất đất nước kéo dài hàng thập niên.
Ông Isozaki giải thích thông điệp mà chính quyền Triều Tiên muốn gửi đến người dân nước này là họ phải nhận thức rằng Hàn Quốc là “nước ngoài” và không liên quan gì đến Triều Tiên.
Ông nói rằng các lãnh đạo Triều Tiên dường như đã nhận ra rằng việc theo đuổi các nỗ lực thống nhất với Hàn Quốc là không thực tế và đã chuyển hướng sang bảo vệ chính quyền hiện tại của mình.
Giáo sư Nhật Bản cho biết, sự hậu thuẫn của Nga cũng giúp Triều Tiên duy trì lập trường đối đầu với Hàn Quốc. Ông chỉ ra rằng Bình Nhưỡng đã trở nên cứng rắn hơn kể từ khi ký hiệp ước liên minh trên thực tế với Moscow.
Oleksandr Musiienko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu luật quân sự, nhận định việc phá hủy các tuyến đường kết nối với Hàn Quốc là “hành động mang tính biểu tượng nhiều hơn”.
Ông cho biết những con đường này ban đầu được xây dựng trong giai đoạn cải thiện quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, quan hệ song phương đang ngày càng xấu đi.
Theo một số chuyên gia, các tuyến đường bộ và đường sắt liên Triều đã bị đóng cửa trong nhiều năm, nhưng việc phá hủy chúng đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un không muốn đàm phán với Hàn Quốc.
Việc phá hủy các kết nối giữa hai nước sẽ phù hợp với lệnh của ông Kim Jong-un vào tháng 1 nhằm từ bỏ mục tiêu thống nhất hai nước một cách hòa bình, phá vỡ giấc mơ lâu đời của những người tiền nhiệm của ông là tạo ra một bán đảo Triều Tiên thống nhất theo hình ảnh của Triều Tiên.
“Đây là một biện pháp quân sự thực tế liên quan đến hệ thống hai nhà nước thù địch mà Triều Tiên thường xuyên đề cập”, Yang Moo-jin, chủ tịch Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, nói.
Chuyên gia Yang cho biết Triều Tiên có thể đang tìm cách dựng thêm nhiều rào cản dọc theo biên giới và vụ nổ gần đây có thể là “sự chuẩn bị cho việc xây dựng những rào cản đó”.
Người Đại Biểu tổng hợp