Vào những ngày nước rút trong mùa hè, du khách đến tham quan danh thắng Hòn Yến (Tuy An, Phú Yên) dễ dàng chiêm ngưỡng được các thảm san hô lộ rõ dưới làn nước trong xanh có hình thù như những đóa hoa rực nở.
Nhìn từ trên cao, Hòn Yến như chú cá voi khổng lồ đang quẫy đuôi. Theo người dân nơi đây, khi xưa, đảo nhỏ này là nơi chim yến thường về làm tổ nên được đặt tên là Hòn Yến. Hòn Yến như một bức bình phong che chở cho ngư dân, đồng thời cũng là nơi trú ngụ của rất nhiều loại hải sản có giá trị cao. Tuy nhiên, thảm san hô vẫn luôn là điều tuyệt vời nhất mà thiên nhiên ban tặng cho Hòn Yến.
Hệ sinh thái rạn san hô Hòn Yến rất đa dạng, phong phú với 17 loài phân bố trên diện tích khoảng 12,71 ha. San hô ở Hòn Yến nhiều màu sắc, gắn với đặc điểm địa chất, địa mạo, tạo nên nét đặc trưng riêng và trở thành biểu tượng thiên nhiên của Phú Yên.
Điển hình ở Hòn Yến là san hô mềm và san hô lỗ đỉnh, khác nhiều vùng biển ở nước ta. Chính vì những giá trị độc đáo này nên các chuyên gia đã có nhiều nghiên cứu để thành lập các khu bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái trên vùng biển Phú Yên.
Rạn san hô Hòn Yến trong một ngày nước biển rút, như những bông hoa trên biển.
Cảnh sắc tuyệt đẹp này không dễ thấy ở nơi khác. Vì thế, chính quyền địa phương cũng đã thành lập Tổ hợp tác bảo vệ san hô Hòn Yến có nhiệm vụ vừa quản lý, bảo vệ, bảo tồn rạn san hô, vừa tổ chức tour du lịch cộng đồng góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Những “hoa” san hô trong mùa nở rộ
Tuy nhiên, vấn đề rạn san hô Hòn Yến hiện nay đang gặp phải là công tác bảo vệ. “Bà con khu vực này xưa giờ vẫn còn thói quen khai thác các loại thủy hải sản gần bờ làm kế sinh nhai, ít nhiều tác động mạnh đến rạn san hô. Các tổ hoạt động trong xã cũng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền để người dân dần dần thay đổi ý thức. Đây là nguồn sống của bà con ngư dân, không phải chúng ta nói cấm là cấm được ngay mà phải có thời gian vận động, tập huấn, tuyên truyền và hỗ trợ…”, đại diện chính quyền địa phương chia sẻ.
Để gìn giữ danh thắng Hòn Yến thành một điểm đến xanh – sạch, một hộ kinh doanh nằm cạnh đền thờ Lăng Ông Nam Hải linh thiêng luôn chủ động tự vấn du khách không vứt rác bừa bãi cũng như tránh bắt các loại sinh vật biển khi tắm lặn ngắm san hô…”. Chúng tôi cũng muốn chung tay góp phần bảo vệ danh thắng luôn xanh và đẹp, luôn hướng dẫn khách tham quan đứng ngắm san hô sao cho tránh giẫm đạp trực tiếp lên từng loại san hô”, anh Lân, chủ quán nước giải khát ở Hòn Yến nói.
Du khách nên đến Hòn Yến vào buổi chiều đầu tháng hoặc giữa tháng âm lịch, lúc này nước biển rút dần để lộ ra những bãi đá trải dài miên man, những rạn san hô đầy màu sắc vô cùng sinh động lộ diện. Mỗi đợt nước xuống kéo dài khoảng 2 – 3 ngày nên bạn nhớ chú ý để không bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này khi chiêm ngưỡng mùa san hô “nở hoa” trên biển Hòn Yến.
Để đến hòn Yến, bạn đi từ thành phố Tuy Hòa, dọc theo quốc lộ 1A khoảng 15 km về phía bắc, rồi rẽ phải ở ngã ba Phú Điềm, đi thẳng theo đường bê tông khoảng 5 km ra biển, qua làng chài Nhơn Hội, bạn có thể thấy Hòn Yến. Bạn cũng có thể theo đường biển từ thành phố Tuy Hòa qua các xã An Phú, An Chấn, An Mỹ, rồi đi thẳng đến thôn Hội Sơn (xã An Hòa).
Bài viết tham khảo từ: Báo Thanh Niên
Người Đại Biểu tổng hợp