Trang chủ » Nhìn lại văn hóa ứng xử trên không gian mạng

Nhìn lại văn hóa ứng xử trên không gian mạng

by tranthang
472 views

Bài viết cho thấy thực trạng vấn đề văn hóa ứng xử trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị góp phần giúp người dùng mạng xã hội có lối ứng xử phù hợp, xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.

  1. Mở đầu

Trong bối cảnh hiện nay, Internet và mạng xã hội đã không còn xa lạ đối với cuộc sống. Internet và mạng xã hội giúp chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau với tốc độ lan truyền nhanh chóng, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian. Với rất nhiều tính năng được tích hợp bên trong,mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng và nhanh chóng nhờ một số tính năngnhư chat, email, phim ảnh, livestream, chia sẻ file, blog, xã luận… Không gian mạng thực sự đã mở ra một thế giới vô cùng hấp dẫn với người dùng, nơi mà tất cả các giác quan của họ đều được thỏa mãn một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.Bên cạnh những thông tin tích cực, thúc đẩy sự phát triển xã hội, cũng tồn tại việc một số cá nhân, tổ chức “lợi dụng” quyền tự do ngôn luận cung cấp những thông tin sai trái, độc hại, không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Thậm chí, có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây mâu thuẫn trong xã hội.

Do đó, việc nhận định những biểu hiện lệch lạc về văn hóa ứng xử trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay và đưa ra những biện pháp điều chỉnh kịp thời là vấn đề vô cùng cấp thiết.

  1. Nội dung

2.1. Văn hóa và văn hóa ứng xử trên không gian mạng

Cho tới nay, các nhà khoa học đã thống kê có hơn 400 định nghĩa về văn hóa. Nghĩa là sự xác định khái niệm văn hóa không đơn giản bởi mỗi học giả đều xuất phát từ những cứ liệu riêng, góc độ riêng, mục đích riêng phù hợp với vấn đề mình cần nghiên cứu.

Văn hóa được UNESCO định nghĩa thông qua bản Tuyên bố về những chính sách văn hóa tại Hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 6 tháng 8 năm 1982 tại Mêhico như sau:

“Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa đã làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách có đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình mới mẻ, những công trình vượt trội bản thân” (4).

Như vậy, có thể nói, thông qua các chức năng của mình, văn hóa đã chứng tỏ đây là một lĩnh vực có một đời sống riêng, quy luật hoạt động riêng nhưng lại không nằm ngoài kinh tế và chính trị, vì sự phát triển và hoàn thiện con người và xã hội là mục tiêu cao cả của văn hóa. Chức năng giáo dục, chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ và chức năng giải trí. Đứng từ góc độ bản chất của văn hóa xem văn hóa là một tổng thể của rất nhiều hoạt động phong phú và đa dạng sản xuất, sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa hữu thể và vô thể nhằm tác động tới con người và xã hội với mục đích cao cả nhất là vì sự phát triển và hoàn thiện con người và xã hội thì văn hóa có các chức năng:

Văn hóa ứng xử là một thành tố cơ bản của văn hóa, đó là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Văn hóa ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của từng cá nhân trong giao tiếp xã hội (3).

Xem thêm:  Phản biện là gì? Định nghĩa, vai trò & kỹ năng hiệu quả

Trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu, sự bùng nổ của mạng xã hội khiến vấn đề văn hóa ứng xử trên không gian mạng càng được chú trọng quan tâm. Vấn đề văn hóa ứng xử trên không gian mạng được thể hiện thông qua các hành vi ứng xử, giao tiếp hằng ngày trên nhiều ứng dụng và trang web như: facebook, zalo, email, mocha, youtube, các web chat…

2.2. Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay

Mạng xã hội là một thành tựu khoa học kỹ thuật của con người, mạng xã hội giúp mang con người đến gần với nhau hơn,đồng thời, giúp người ta nói lên suy nghĩ của mình được nhiều hơn. Và đặc biệt, nó giúp cho mọi người truyền tải cảm hứng cho nhau, giúp cho cộng đồng gần gũi nhau hơn.Hiện nay, tại Việt Nam, Bộ TT-TT đã cấp giấy phép hoạt động cho 436 MXH như: Facebook, YouTube, Facebook Messenger, Zalo, Google+, Mocha… Facebook hiện có khoảng 55 triệu thành viên, chiếm 57% dân số và Việt Nam xếp thứ 7/10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới (1).

Việc ứng xử trên không gian mạng không khác gì với việc ứng xử trực tiếp hằng ngày, thậm chí không gian và thời gian của việc ứng xử trên không gian mạng còn được xác định một cách chi tiết và cực kỳ cụ thể, đồng thời, việc ứng xử trên không gian mạng còn được lưu lại dưới dạng các tin nhắn, chat, video… Chính vì vậy, vấn đề ứng xử trên không gian mạng sao cho có văn hóa là điều rất quan trọng mà mỗi cá nhân sử dụng mạng phải chú ý.

Có thể thấy những nét văn hóa ứng xử là nơi để mỗi người cho mọi người được thấy về con người. Và chính cá tính nhân cách của chính bản thân mình, và nói rộng ra hơn nữa, thì những hành xử hay giao tiếp đó giúp ta như cũng đã thể hiện được tinh thần, ý chí con người của một dân tộc, một cộng đồng khác biệt không thể trộn lẫn với bất cứ dân tộc hay cộng đồng khác. Dường như mà đã gọi là văn hóa ứng xử thì đó phải là những ứng xử đẹp, đó chính là sự lịch sự, văn minh. Hiện nay, trên không gian mạng, những nghĩa cử cao đẹp, lối sống văn minh và ứng xử một cách có văn hóa là điều có thể dễ thấy, nhất lên trên mạng xã hội facebook, zalo. Những tấm gương điển hình cho lối sống đẹp được các tổ chức, cá nhân thông qua trang fanpage hoặc trang cá nhân của mình, đã chia sẻ rộng rãi để lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh mặt trái của mạng xã hội thì trên thực tế hiện nay, mạng xã hội cũng có thể trở thành công cụ phá hoại, lan truyền các thông tin xấu độc, sai sự thật, thậm chí mù quáng đến khó kiểm soát. Với đặc thù là công cụ kết nối, chia sẻ nhanh và dễ dàng bất kỳ nội dung nào, vào bất kỳ lúc nào, những mặt trái đó có thể gây tác động tiêu cực đến ứng xử của con người, gây hại cho cộng đồng hoặc ảnh hưởng nguy hiểm đến cuộc sống riêng tư của mỗi người.

Có một tâm lý chung của những người dùng mạng xã hội là thích hướng về những thông tin nóng, mới hơn là xem nguồn gốc chúng đến từ đâu, có chính xác hay không. Sự thật là có rất nhiều các tin đồn nhảm xuất hiện từ các trang web không đáng tin cậy nhưng chẳng làm cho cư dân mạng để ý. Các mạng xã hội dường như cũng không quan tâm đến điều này. Vì vậy, nhiều người lo lắng rằng những giá trị cốt lõi của truyền thông đang đứng trước nguy cơ mất dần. Cả thế giới giờ đây đã bắt đầu cảm nhận được những sự nguy hiểm từ sự quá tự do trên mạng xã hội và đang cùng nhau tìm cách khắc phục.Đặc biệt, với một lượng lớn những người trẻ tuổi tham gia tương tác trên mạng xã hội khi tâm sinh lý vẫn chưa ổn định, chưa đủ kiến thức xã hội và bản lĩnh vững vàng thì việc không có chính kiến, thậm chí là bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những gì xảy ra trên mạng xã hội đặt ra yêu cầu phải giáo dục kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho thanh thiếu niên.

Theo khảo sát của chương trình Nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét dẫn đến có những lối ứng xử vô văn hóa của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, thể hiện tập trung ở những hành vi: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%). “Những nguồn năng lượng xấu này đang dần che mờ những mặt tích cực do internet và mạng xã hội mang lại” – báo cáo nghiên cứu đánh giá[1].Bên cạnh đó, nhiều tài khoản cá nhân, tổ chức phản động không chỉ gây hoang mang dư luận bằng việc chia sẻ các thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội, nhiều tài khoản mạng xã hội còn núp bóng là cá nhân, tuyên truyền, tung tin xấu, tin giả,…Những tài khoản cá nhân đăng các thông tin vi phạm trên Facebook thường không để lại chứng cứ, nên cơ quan quản lý, thậm chí cả Facebook cũng khó có thể xử lý vi phạm.

Xem thêm:  Nguyệt Digi và talkshow Thợ Đụng: Bán sao cho được giá (14/4/2024)

Nói đến văn hóa là nói đến phẩm chất, đến giá trị, đồng thời cũng là nói đến trình độ của con người. Nuôi dưỡng các phẩm chất, xây đắp các giá trị tinh thần, tư tưởng, tình cảm và nâng cao trình độ dân trí là những chức năng không thể tách rời của văn hóa. Tuy nhiên, khi ứng xử trên không gian mạng, một bộ phận lớn người sử dụng đã không thể kiểm soát hành vi của mình, biểu hiện ra sự xuống cấp về đạo đức, về trình độ dân trí thông qua những phát ngôn xuyên tạc, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư và xã hội. Việc cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận và sự tôn trọng cá nhân là điều vô cùng khó kiểm soát đối với những thông tin được đưa ra trên mạng xã hội. Đồng thời, cũng từ các nền tảng truyền thông xã hội bộc lộ những tác động tiêu cực, ẩn chứa những nguy cơ phức tạp, khó lường, thậm chí có khả năng gây chia rẽ sâu sắc, kích động hận thù trong các cộng đồng xã hội, nhất là ở các quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo.

Đặc biệt, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên không gian mạng là vấn đề bức thiết mà các tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương cần đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nói giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc không đồng nghĩa với dân tộc hẹp hòi, đóng cửa, khép kín và cũng hoàn toàn xa lạ với kiểu bắt chước, học đòi, lai căng để đánh mất đi cái độc đáo, cái đặc trưng của dân tộc mình. Phải biết kế thừa, phát huy có chọn lọc những truyền thống văn hóa tốt đẹp phù hợp với những điều kiện lịch sử mới, kiên quyết phê phán và loại bỏ những tập tục lạc hậu, cổ hủ, đủ bản lĩnh để mở rộng giao lưu với thế giới, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tốt đẹp, tiến bộ của văn hóa nhân loại, tỉnh táo chống lại sự xâm nhập của mọi thứ văn hóa độc hại… “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trao đổi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam”(2).

  1. Một số kiến nghị

Gần đây nhất, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội Việt Nam ban hành tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng cùng với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cho rằng: “Việc ban hành Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý các vi phạm trên không gian mạng. Bởi nếu có hành vi phạm tội trong lĩnh vực công nghệ cao mà chúng ta không có khuôn khổ pháp luật để xử lý thì làm sao chúng ta bảo vệ được cuộc sống của người dân, bảo vệ được sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết” (5). Tuy nhiên, để người dùng mạng xã hội có những hiểu biết nhất định về Luật An ninh mạng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đơn vị sự nghiệp trong việc tuyên truyền nội dung cơ bản của Luật đến người dùng.

Thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội khoá XIV, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xây dựng Dự thảo “Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”. Như vậy, khi thực hiện tốt theo Bộ quy tắc thì việc ứng xử văn hóa trên không gian mạng sẽ được cải thiện theo hướng tích cực. Tuy nhiên, mỗi cơ quan, đơn vị cần có những hoạt động thiết thực để Bộ quy tắc tăng tính hiệu quả, phát huy tính khả thi, nghĩa là đi vào cuộc sống, để không bị lãng quên. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, tổ chức nên có quy tắc riêng cho ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ, công chức, nhân viên và người lao động thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Xem thêm:  Đáp án 24 mã đề thi Môn Toán tốt nghiệp THPT 2024

Trước tình trạng báo động về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội trong học sinh như hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục, các ban ngành đoàn thể đã chủ động triển khai các chuyên đề về kỹ năng ứng xử cho học sinh. Đây là một trong những hoạt động cần được nhân rộng và triển khai một cách thiết thực. Nội dung chuyên đề có thể xoay quanh cách tiếp nhận và xử lý thông tin trên mạng xã hội, xây dựng hình tượng cá nhân, quản lý thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Từ đó, học sinh chủ động xây dựng văn hóa giao tiếp mạng xã hội phù hợp với lứa tuổi. Vừa qua, Trung ương Hội sinh viên Việt Nam cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông để cải thiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng, với một số khẩu hiệu thiết thực cần được lan tỏa rộng rãi như: “Nội dung lành, lướt mạng sạch” , “Thông tin là tài sản, tài khoản là riêng tư”; “Đưa tin có trách nhiệm, dẫn tin đã kiểm nghiệm”; “Chuyện đẹp tin tốt quanh ta, phải share mạnh mẽ mới là văn minh”…

Và quan trọng nhất, mạng xã hội có xây dựng được văn hóa ứng xử lành mạnh hay không phụ thuộc nhiều vào hành vi của mỗi người sử dụng, do đó người dùng phải có trách nhiệm hơn trong mỗi lời nhận xét, phê bình, hay gắn biểu tượng cảm xúc của mình khi tham gia mạng xã hội. Phải kiểm chứng nội dung từ các nguồn tin có bảo đảm cao, như các trang, cổng thông tin chính thức của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã được cấp phép. Người dùng cũng cần kiểm tra sự đồng nhất giữa tiêu đề và nội dung, tránh các bài viết giật tít để câu view trong khi thông tin không liên quan, tránh trở thành nạn nhân của tin giả hay lừa đảo…

Nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa người Việt thanh lịch, văn minh. Đồng thời cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng ngôn ngữ lai căng, tục tĩu, cá biệt, có tính bạo lực; chỉ đăng, phát thông tin rõ nguồn gốc, đã được kiểm chứng. Không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác cho mục đích thương mại, hoặc các mục đích khác. Đặc biệt, không được lập nhóm, hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân; không theo đám đông khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội…

  1. Kết luận

Việc ứng xử một cách khéo léo, có văn hóa trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trên không gian mạng sẽ góp phần nuôi dưỡng, xây đắp cho con người những lý tưởng cao quý, những tư tưởng và tình cảm lớn, những phẩm chất cao đẹp để giúp cho con người vươn tới cái chân, thiện, mỹ, không ngừng hoàn thiện bản thân để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Mỗi cá nhân cần có thái độ tích cực, ứng xử có văn hóa khi sử dụng mạng xã hội; các tổ chức, cơ quan nhà nước cần tuyên truyền về cách ứng xử phù hợp trên không gian mạng, đồng thời theo dõi sát sao từng cá nhân trong đơn vị để kịp thời xử lý khi phát hiện những vấn đề ứng xử thiếu văn hóa trên không gian mạng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • (1) Văn Duẩn, Chuẩn hóa ứng xử trên mạng xã hội, Báo Người lao động, 23/12/2018
  • (2) GS.TS Đinh Xuân Dũng, Phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2011
  • (3) Trần Đăng Huy, Văn hóa ứng xử và hành vi ứng xử có văn hóa trong HS, Báo Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, 26/01/2019
  • (4) Nhiều tác giả, Hỏi – đáp về văn hóa Việt nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2009
  • (5) Bảo Yến, Góc nhìn đại biểu: Ứng xử văn hóa trách nhiệm trong không gian mạng, Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 25/02/2019

Văn Công Vũ*, Đỗ Minh Hương – Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng – https://www.nguoidaibieu.com.vn/

Bài viết liên quan

Leave a Comment